Long Mỹ là một trong 21 xã của huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Nằm cặp tuyến Quốc lộ 57C, cách Thành phố Bến Tre 14 km và cách thị trấn Giồng Trôm 9 km. Phía Bắc giáp Lương Phú và Lương Hòa; phía Nam giáp với xã Tân Lợi Thạnh; phía Đông giáp xã Bình Hòa và xã Tân Hào; phía Tây giáp xã Thuận Điền và Phước Long. Xã Long Mỹ là vùng đất phì nhiêu do phù sa của con sông Hàm Luông bồi tụ.
Đơn vị hành chính gồm 7 ấp, mang những mỹ tự: Hòa, Thạnh, An và lấy tứ linh “ Long, Lân, Qui, Phụng” để đặt tên cho các ấp thể hiện ước vọng mong sao đất nước “thái bình thịnh trị”. Các tên gọi như: Ấp Linh Phụng, Ấp Mỹ An, Ấp Mỹ Thạnh, Ấp Mỹ Hòa, Ấp Linh Lân, Ấp Linh Long, Ấp Linh Qui.
Diện tích tự nhiên 1.206.02 hecta, với tổng số hộ dân trên địa bàn xã Long Mỹ là 2.338 hộ với 7.316 nhân khẩu. Kinh tế của Long Mỹ chủ yếu là Trồng trọt và chăn nuôi. Ngày nay, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Long Mỹ đang từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Diện tích vườn đang tiếp tục được cải tạo và quy hoạch, trồng các loại cây ăn trái trong vườn dừa, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ và Nhân dân Long Mỹ đã có những đóng góp quan trọng vào cuộc giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Được Nhà nước phong tặng danh hiệu xã 2 lần anh hùng vào năm 1994 và năm 1996. Trên mảnh đất nhỏ bé này đã phải đương đầu với những cuộc càng quét dài, hứng chịu hàng ngàn tấn bơm, đạn, hàng chục lần máy bay B52 rải thảm, kể cả chất độc hóa học, những cuộc thảm sát đẫm máu ở rừng lá Bộ Lang, cuộc hủy diệt thảm khốc bằng bom Napan tại trường Linh Phụng,…
Ngày nay, Đảng bộ và nhân dân Long Mỹ đang tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng đó để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Ghi lại những chặng đường lịch sử từ khi có Đảng. Nhân dân Long Mỹ ghi nhớ sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta trong cuộc chiến tranh giải phóng; ghi nhớ công lao to lớn của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã hy sinh trên mảnh đất Long Mỹ anh hùng.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Long Mỹ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng Đảng bộ, quân và dân xã nhà luôn đồng lòng phát huy “nội lực” đồng thời quyết tâm để xây dựng thành công xã Nông thôn mới. Việc giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy những truyền thống quý báo của cha anh để lại, là một trong những nhân tố quan trọng nhằm khơi dậy, động viên các tầng lớp nhân dân trong xã, nhất là lớp trẻ hăng hái thi đua sôi nổi xây dựng quê hương Long Mỹ giàu đẹp, xứng đáng với danh hiệu xã 2 lần anh hùng.